...còn đây một nắm tro tàn
mẹ đưa con đến suối vàng muôn thu
"Drive 0.4 mile and make a return" Cái máy GPS vẫn kiên nhẫn chỉ đường cho Chầng-Đệ trong khi anh cố tình cho xe đi đường khác đến ThyLinhGiaTrang. Chầng-Đệ đã quá quen thuộc với điểm hẹn này không cần theo lệnh GPS. Anh mỉm cười khoái chí khi nghĩ đến một ngày nào đó người ta chế ra cái nắm đấm cho GPS, bất ngờ thụi vào mặt tài xế nào cứ bướng bỉnh không chịu nghe theo lời hướng dẫn chỉ đường của chúng… ha ha ...đại khái như damn it, I told you to make a return, why didn’t ya, idiot ?” Ơ mà kia rồi, đến hồi nào không hay …
Thy Linh Gia Trang, ui cái tên mang đầy kỷ niệm, kỷ niệm gặp nhau, kỷ niệm thân nhau và ngậm ngùi xum họp để an ủi nhau khi đường tình gãy gánh, khi chim trời gãy cánh... Chầng-Đệ bước vào không cần gõ cửa, những nét mặt thân quen đã có đấy, dường như vẫn bao giờ cũng ở đó, đợi chờ …
Suốt đêm không ngủ ...bên tách cà... í...canh cái nồi …cho sôi ... cộng với đường xa, bao tử càu nhàu … Chầng-Đệ bây giờ ngồi trước một tô phở-Thy do tay chủ nhà và chị Phạm săn sóc. Lâu ngày không gặp kể từ khi “gió núi biệt kinh kỳ” thấy ai cũng “dệy”, trẻ mãi không già nhất là cái “sang trọng” của chị Phạm càng ngày càng sáng bóng như cái vòng cẩm thạch “lên nước”.
Chị chỉ huy đạo binh nhà bếp yểm trợ thức ăn bay vù vù từ địa phương ra tuyền tuyến và cả ngày lẫn đêm sau này chị luôn luôn chu toàn cho binh sĩ đầy đủ tiếp viện.
Ăn một tô vẫn còn thèm thì Chầng-Đệ được lệnh ngồi vào bàn nghe chỉ thị về “phi vụ đồi Mạc-Đăng” trong khi chị Hồ-Duy-Hạ “phù thủy” một nồi coke và chanh nóng chữa bệnh “Đắc-Kỷ” cho chủ nhà.
Ngồi trên bàn kế hoạch Đại-Sư-Trưởng cầm gậy đôi chĩa vào mô hình trận địa, nhón một phần “xe tăng bánh tét” rồi gắp vài “khẩu dưa món” gom thu về trận địa của mình, người tuyên bố:
_Cứ theo kế hoạch đột nhập đồi Mạc-Đăng như thế mà thi hành. Nào chúng ta đi !
Phi công trực thăng Huỳnh-Vũ-Hoàng-Tuấn lái chiếc UH-1 loại ĐCCB từng sử dụng trên chiến trường Việt Nam khói lửa ngày nào. Huỳnh-Vũ-Hoàng-Tuấn đáp máy bay xuống đồi Tài-Bửu bốc hàng quân tiếp liệu gồm CariDe, BonauRuou thêm vài ổ đạn 110 ly BanhmimoiRalo xong đâu đấy vị chỉ huy trưởng Trần-Nhất-Lang, Pi-Lốt Hoàng-Tuấn cùng hoa tiêu TrầnĐại và phóng viên chiến trường Cameraman Diệp-Đỗ-An vươn cánh bay giữa lòng trời khuya muôn ánh sao vàng ...trực chỉ ngọn núi Mạc-Đăng.
Mạc-Đăng-Sơn một thời từng là địa danh lẫy lừng với đạn bắn, tên bay khốc liệt hằng ngày ...nhưng không kém phần nên thơ, romantique. Phi đoàn tiến vào dinh của MacBaoThau, đó là một kiến trúc kết hợp gìữa hai công trình sư Anhseviem và Lamthotinhai tức là “hông trước bự, sau bé …” Trước đây không lâu một chiếc xe tăng của nhật chạy giật lùi tông vào trụ chống mái rồi húc vào bức tường bétonstucco làm hư hại mặt tiền của dinh lão Mạc tuy nhiên khi phi đoàn bước vào thì cảm thấy sự thoải mái, và thích thú ngay vì nét hoành tráng của nội thất và cái sàn nhà marơbừn láng bóng, mát rượi.
Chuyện phi vụ hành quân đêm được gác lại cho yến tiệc bày ra và những tràng “đại liên vui vẻ” bắn không nghỉ chung quanh bàn tiệc cho đến khi về lại hậu phương. Phải nói sự niềm nở và hiếu khách của chủ nhân cùng với quà tiễn khách là “chuối xanh bự và chanh vàng tí tẹo” làm tình thân thêm nồng ấm và tình huynh đệ chí binh càng thêm thắt chặt, nhất là sau chuyện của phi công ĐCCB đã vươn cánh bay vào cõi muôn trùng …
A lô, A lô, đại-bàng gọi oanh-vũ nghe zõ chả nhời !” … Đêm chưa khuya mà ... chời! sao … vội ...thế … Bọn đàn em không thuyết phục được cấp trên để ở lại thêm cùng lão Mạc, đành phải chia tay chai rượu 18 phần chăm alcohol, ngon ác liệt. “Đại huynh à, oanh-vũ giờ này còn múa ủy lạo các chiến sĩ viện-dưỡng-lão chưa về đơn vị đâu!” Hoàng-Tuấn mắt nhìn chai rượu, cò cưa, ”chơi thêm tí nữa, lâu lâu gặp lão Mạc mà …” nhưng Cấp-Trên lắc đầu, “mai ta vào chùa trong" ... lộn... "mai ta còn ra khơi!”
Chầng-Đệ theo các đàn anh, bắt cóc lão Mạc bay về đơn vị Thy-Linh-Gia-Trang rồi ngồi trà đàm chẳng bao lâu thì các cô oanh-vũ về tới nơi. Thế là chén đĩa bay ào ào từ trong bếp ra bàn ăn. Nhìn quanh mới đó mà Hoàng-Tuấn và Mạc-Đăng-Sơn đã biến đâu mất tự bao giờ. Thì ra hai chàng chưa bể bầu tâm sự, lại đưa nhau về đỉnh Mạc-Đăng, nằm gác-chân-chú-bác mãi cho tới khi nhóm oanh-vũ Hạ-Thy kéo nhau đến túm cổ, lôi đầu chàng Nam-Nhân-Ngư có cái tánh ….tánh “shushi” … đi đêm, về đơn vị. Về đến nơi, lại "tái bản" cuộc tiệc, cùng nhau thử nghiệm bánh tét, nem chua của cô giáo Loan gởi tặng làm quà nhậu. Mọi người hưởng ứng nhiệt tình, chẳng mấy chốc mà tét, nem, phở … cùng với cây, trái, rượu, trà ... của chủ nhà đã hao nhanh theo cấp số tỷ lệ với niềm vui no nê và hân hoan hiện lên trên từng khuôn mặt … một thời để ăn ...và một thời để … uống, Les amoureux qui passent ... Vâng, người yêu đã ra đi, đã xoá dấu vết trần gian, của một thời để yêu và một thời để nhớ. Đêm đó Hoàng-Tuấn, Trần-Đại mỗi người một giường nằm suy tư, lần đầu tiên, lâu lắm rồi, kể từ khi … con tim ở trọ trần gian ...họ không ngáy ... và cùng với bằng hữu ở những phòng bên, Chị Phạm, Thy-Linh, Diệp-Đỗ-An, Hồ-Duy-Hạ, tất cả đều đang nghĩ về một hình bóng, một người thiên cổ mang tên Trần-Tự-Giác.
Chầng-Đệ bước ra thềm. Đêm buông gió và mây đang về ngang lưng ... trời … báo hiệu một ngày mai ra khơi nhiều sóng gió.
Buổi sáng trời lộng gió. Cành dương liễu dưới sân không còn tha thướt mà giờ đây như một thiếu nữ mới vừa gội đầu xong, nàng lắc mạnh, đong đưa mái tóc dài tơ liễu trước những làn gió đang lay động cành lá xanh non ở sau vườn càng lúc càng mạnh như Hoàng-Tuấn, Trần-Đại lắc lư con tàu đi ...sau một đêm dài qúa chén.
Chầng-Đệ quay vào thì Hoàng-Tuấn đã thức dậy, anh đang mang giầy và réo, “Trần-Đại-K, thức dậy! Chạy bộ không?” Trần-Đại “cử mục” nhướng bốn con sâu rọm đen ngòm nhìn thùng nước lèo đầy bia rượu của đàn anh Hoàng-Tuấn ái ngại, “thôi, anh chạy một mình đi!” Có lẽ Trần Đại sợ phải vác thùng-nước-lèo giữa đường về Thy-Linh-Gia-Trang (?)
Mặt trời lên, Chiêu-Phu-Hồ long lanh sóng nước, liễu vẫn bay là đà nhưng những cành cây chung quanh đã bớt phần nào lay động mạnh. Trong nhà đã nghe vang vang tiếng người nói hòa lẫn tiếng giầy, dép lướt đi xèn xẹt. Trên bàn hội nghị “Ốp-La” có bốn năm người ngồi mần thơ chúc tết. Nhất-Lang-Đại-Sư-Huynh dễ dãi, hòa đồng cùng “bọn trẻ” sửa đi, sửa lại hai bài thơ chúc xuân Bến-Sông-Mây Đường-Luật và Hát-Nói; À mà nhắc đến loại thơ này thì cứ nghe mọi người hay tấm tắc khen nàng Thiếu-Phụ … nào là … Mà thôi, ông Hoàng Jimmy-Điêu vừa mới bước vào nhà … những tay bắt mặt mừng, lần đầu tiên mà ngỡ như quen nhau tự bao giờ, Bến-Sông-Mây này lạ thật! Chầng-Đệ cũng chìa tay xin bắt và chợt nhận ra đàn anh Quách-Xuân-Sơn cũng đã có mặt tự bao giờ, anh trông gầy đi nhiều, nét mặt hằn lên những “vết-lăn-trầm” qua bao ngày cơm gạo cho mấy mãnh bằng master của lũ diều con. Đàn anh Dân-Chu trong bộ đồ vía, cà-vạt rằn chìa tay ban cho Chầng-Đệ một cái bắt tay ấm áp, tự nhiên Chầng-Đệ nhớ lại tình cảm thân thiết giữa anh Độc-Cô và Dân-Chu qua nhiều lần gặp mặt … nhưng dường như anh không lo buồn cho Cầu-Bại nhiều bằng lo cho những người-đàn-bà “ngày mai đi thả xác chồng” xuống lòng biển sâu …
Trở sang khu chị-gái-hậu-phương thì thấy có tỷ Mưa-Ngâu (nay đã thay màu) trông chị lúc này trắng trẻo mịn màng, bó-đi thon gọn chắc là sức khỏe dồi dào, phát lộc. Có Mưa-Ngâu, chị Phạm cho tăng cường thêm gióp lột-bánh-tét. Thy-Linh-Gia-Trang trở nên náo nhiệt làm như thể sắp có chuyện gả thiếp về vườn chứ không phải nghìn trùng xa cách ...người đã đi … rồi …
Trời bỗng dưng lặng gió.
Thật kỳ diệu, lạ lùng, mới vừa đây ... thuở trời đất còn nổi cơn gió bụi … mà bây giờ thì trời nhẹ lên cao … như có dây tơ ...bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ lay … Chầng-Đệ hít một hơi thật sâu, mùi xuân mới, mùi tuổi thơ, mùi mẹ lùa vào làm cảm xúc dâng lên thành tiếng nấc nghẹn ngào. Mới đó mà như thiên thu rồi hở mẹ, mới đó mà như vừa chưa lạnh bàn tay bắt hở anh Giác.

Rồi đây khi nắng chiều buông xuống,
Trên Bến Sông Mây vắng một người.
(Trần Văn Lương)
Newport Beach, California là một hải cảng đẹp, nổi tiếng của California, cách xa khu Bolsa cộng đồng Việt chừng 10 km. Nét thu hút của nó được ưu đãi từ cả hai, thiên nhiên và nhân tạo. Nơi đây là ước mơ du lịch miền viễn tây của dân du thuyền và không ngờ anh Độc-Cô-Cầu-Bại lại chọn làm bờ vực giữa thế gian và miền Miên-Viễn-thiên-thu. Một cuộc du hành cuối cùng của Phi-Công Trần-Tự-Giác.
Đoàn xe chui vào parking lot nhiều tầng. Chầng-Đệ một mình lang thang xuống bến trước. Đi dọc qua hàng quán sát bến tàu thì anh thấy một nhóm người trang phục đen đen điểm trắng đang đứng cuối bến cảng. Chầng-Đệ mon men lại gần thì một người đẹp trai trên tay cầm “triệu đóa hoa hồng” rời đám đông tiến lại gần và đưa tay bắt. Ồ thì ra đàn anh này là Quang Lãng. Chưa kịp hàn huyên thì hai cánh tay rộng bờ vai … cao chồm tới như muốn ôm chầm thằng du tử đi hoang lâu ngày Chầng-Đệ và đàn anh này chính là Trần-Văn-Lương. Một thoáng không lâu, đoàn người Bến-Sông-Mây đã hiện diện đầy đủ dưới bến tàu. Những con mắt trần gian tạm thời núp sau những cặp kiếng râm (hàng hiệu). Ngoài Hoàng-Tuấn, Quách-Xuân-Sơn là những người có đồng tử không “mu” thì Dân-Chu là người duy nhất quên cặp kiếng “dâm”.
Một làn gió mong manh thổi qua bến cảng, trời thật dịu êm, nắng đẹp chan hòa. Chị Diễm-Thúy mang trên tay một giỏ bông hồng đỏ thắm có di cốt của anh Độc-Cô cùng chị Chiêu-Hoàng và gia quyến đến sau cùng. Nhóm thân hữu bên kia liền vây quanh “anh Độc-Cô”. Họ đặt tay lên anh nói lời sau cuối, “Thôi bọn tao để mày đi. Ngủ yên nghe mậy. Vĩnh biệt phi công Trần-Tự-Giác.” Nói xong họ bắt tay, ôm vai chia buồn, phân ưu cùng tang quyến rồi kéo nhau ra về.
Bóng chiều nhẹ nhích nắng gió ban trưa rồi dẫm chân lên cảng, chỉ còn lại nhóm Bến-Sông-Mây và tang quyến đang lần lượt bước lên thuyền. Nắng chợt thay màu ngậm ngùi trong chốc lát. Chầng-Đệ lén nhìn thấy vẻ hoang mang bất ngờ trên nét mặt của chị Diễm-Thúy, dường như bao ngày qua … cũng còn chưa tin, cũng còn có anh đây, cũng còn hơi hướm anh chung quanh … mà bây giờ ôm di hài anh, chân bước lên thuyền mới ngỡ ngàng sắp xa anh, xa vĩnh viễn … lát nữa đây những bụi tro tàn sẽ vuột khỏi tầm tay em .. Ôi! một nghìn lần nắm tay em, chỉ một lần này vuột khỏi tay anh. Chầng-Đệ nhìn quanh bến cảng … Bỏ lại Cung-Hồ vì hết vé và Võ-Vĩnh-Thuận giờ này chắc đang trong bệnh viện lo cho vợ con mà phải cancel không đi được. Thiếu những tấm lòng của những anh chị em Bến-Sông-Mây ở xa xôi hằng ao ước được tiễn đưa anh lần cuối. Nhưng dù sao thì một Khiếu-Long đành đoạn tạm xa mẹ già đau yếu, một chị Phạm-Sĩ-Trung với Hà-Thân hấp tấp bỏ cuộc chơi Hawaii mau về để dự thủy táng hôm nay … tưởng cũng đủ thấy linh hồn anh Giác mãn nguyện như thế nào...
Thủy thủ nhỗ neo, thuyền từ từ rời xa bến cảng. Những con hải âu từ ngoài khơi bay về lượn quanh thuyền, những cánh buồm trắng lung lay cùng sóng nước chập chờn tạo nên một cảnh bồi hồi cho ngày tiễn biệt. Mọi người bắt đầu dùng giải khát và lót dạ. Máy ảnh nháy liên hồi khắp nơi ... trên boong tàu, dưới hầm nhà bếp … Cặp Hồ-Duy-Hạ và Diệp-Đỗ-An thèm được làm Jack Dawson ôm Rose Bukater đứng dang tay đón gió nơi mũi tàu Titanic nhưng chàng sợ nón bay … nàng hay e thẹn (tàu mà đi tới sáng dám có chiện đó xảy ra lắm a!)
Thuyền đang trôi êm trong vịnh chợt nghe tiếng chị Miên-Du la thất thanh, “kia, nhìn kìa! Bên này nè!” cả đám người hướng mắt về phía chị đang “xí...xọn”, tưởng gì hóa ra là “thịt jăm-bông” … đang nằm phơi nắng trên chiếc ca-nô nhỏ bên hông tàu, cặp đùi thon, đôi “dú” căng tròn … Phải chi có anh Độc-Cô ở đây thì thành to chuyện rồi … thật là một đám đàn ông hiền khô, tuy có cặp mắt cú dzồ … Chẳng bao lâu thì cảnh vật bắt đầu chao nhẹ, đong đưa.
Thuyền đã ra khơi.
Tất cả mọi người tụ tập trên boong, đứng, ngồi vây quanh “anh Độc-Cô”. Thuyền trưởng cho tàu trôi thật chậm. Mọi thứ như cô đọng lại, ai nấy đều nghiêm trang không bảo nhau mà tất cả cùng lặng thinh. Một bầy chim hải âu lại bay lượn trên không như tò mò muốn biết chuyện gì sắp xảy ra. Anh Khiếu-Long cất lời bày tỏ, giọng anh hôm nay nghe sao mà truyền cảm … Anh nói về con người Trần-Tự-Giác tức Độc-Cô-Cầu-Bại và sự liên hệ giữa người với anh chị em Bến-Sông-Mây. Đâu đây bắt đầu có những tiếng thút thít và những cái nén thở nghẹn ngào. Đến khi anh Trần-Nhất-Lang nói lời cảm tưởng thì Chầng-Đệ cầm lòng không được … vì ngoài cái tình thi hữu còn có thêm tình chiến hữu trong những ngày khói lửa binh đao... hãy tưởng tượng một khung trời đạn xé không trung, bom nổ ầm ầm, máy bay của Trần-Tự-Giác chở anh em vượt qua vùng lưới đạn phòng không, khói lửa mịt mù để may mắn, vừa thoát chết, được nhìn thấy ráng chiều tuyệt đẹp cùng những làn mây thanh bình êm ả trôi trong hoàng hôn ngã bóng. Lúc ấy phi-công Trần-Tự-Giác đã trở thành thi sĩ Độc-Cô-Cầu-Bại với con tim đầy nhiệt huyết yêu thương.
Trần-Đại, Quỳnh-Hương, Dân-Chu, Hồ-Duy-Hạ và Huỳnh-Vũ-Hoàng-Tuấn lần lượt thay nhau đọc những lời tiễn biệt thật cảm động của anh chị em Bến-Sông-Mây. Tiếng kinh cầu quyện vào nhau bay lên thinh không, đàn chim biển rũ nhau bay về bến cảng. Chầng-Đệ thấy người mẹ già run run vì cảm động và sung sướng khi Bến-Sông-Mây trao cho bà tập chứng nhận xin-lễ-đời-đời cho anh Trần-Tự-Giác do Hoài-Yên thực hiện. Anh càng ngạc nhiên hơn khi thấy nàng con gái của Độc-Cô đứng vỗ về lưng Trần-Đại như thông cảm nỗi buồn mất bạn của Bến-Sông-Mây qua những vần thơ vừa mới đọc tiễn cha nàng. Anh Khiếu-Long nói lời kết cuộc nhưng bất ngờ các em của anh Độc-Cô thay nhau nói lên cảm tưởng. Họ nói về người anh. Họ ca ngợi tình thi hữu của Bến-Sông-Mây, họ không ngờ anh Giác và người thân may mắn có cuộc tiễn đưa như thế này...
Trời ngã bóng chiều.
Thủy thủ kéo neo thuyền và chuyển chân vịt cho tàu chạy thụt lui đâm vào hướng gió. Họ giúp chị Loan và mẹ già tháo dây bao di hài rồi hai mẹ con thả lần lần tro bay xuống biển. Những cánh hoa, đài hoa, đóa hoa ... bay theo gió chiều và đáp xuống lằn nước nâu, vàng như những hành tinh muôn màu đang trôi dọc theo giải ngân hà. Những mái đầu non cúi xuống tò mò, ngơ ngác, những tóc màu điểm bạc thả ánh nhìn trôi theo dòng nước ngậm tro tàn như cố ghi sâu hình ảnh biệt ly vào trong ký ức … lời ca Amazing Grace được cất lên nhẹ ru, êm êm, thật an lành, ấm cả lòng người, linh hồn và biển cả. Thiên thu và trần thế chỉ cách nhau từ chỗ nắm tro cuối cùng vừa thả xuống kia, tới nơi nước vừa trong veo này ... Thế mà đã xa cách muôn trùng.
Chầng-Đệ nhìn nét mặt phờ phạt, xót thương của tam tỷ Dốc-Mơ, Thy-Linh, Quỳnh-Hương mà chạnh lòng. Qua bao ngày “le te” vừa làm liên lạc khắp mọi nơi, viết bài, đếm vé, đón khách phương xa vừa làm làm thiện nguyện trình diễn đêm qua, quả là những tấm lòng đáng ghi ơn. Chị Phạm, Hồ-Duy-Hạ, Mưa-Ngâu, Miên-Du, Trần-Thị-Hà-Thân là những người không ngại thời giờ, đường xa và luôn luôn hết lòng với bạn bè cũng không giấu được chan chứa một nỗi buồn...Bên kia, các huynh Trần-Nhất-Lang, Xa-Lạ, Jimmy-Điêu, Trần-Văn-Lương, Huỳnh-Vũ-Hoàng-Tuấn, Quang-Lãng, Quách-Xuân-Sơn, Khiếu-Long, Dân-Chu, Diệp-Đỗ-An, Trần-Đại … mỗi người đều có kỷ niệm riêng cùng Độc-Cô. Họ càng thầm lặng hơn khi tàu càng tiến gần về bến cảng.
Ánh nắng chiều sắp tắt, như thấu hiểu được tình người, đã cố gắng rọi những tia ấm áp lên từng khuôn mặt người thân của Độc-Cô để ghi lại những tấm hình sáng đẹp cho kỷ niệm một lần tiễn đưa và cũng là mãi mãi không còn.
Tàu cập bến.
Chầng-Đệ bước lên cầu không quay mặt lại. Phía sau đã thành quá khứ.
Viết xong lúc giữa khuya ngày ...tháng ... năm
Trần Đại
Mon Jan 24, 2011
No comments:
Post a Comment